TOP 10 đèo NGUY HIỂM nhất Việt Nam - Kinh nghiệm lái xe đường đèo AN TOÀN

TOP 10 đèo NGUY HIỂM nhất Việt Nam - Kinh nghiệm lái xe đường đèo AN TOÀN

TOP 10 đèo NGUY HIỂM nhất Việt Nam - Kinh nghiệm lái xe đường đèo AN TOÀN

TOP 10 đèo NGUY HIỂM nhất Việt Nam - Kinh nghiệm lái xe đường đèo AN TOÀN

TOP 10 đèo NGUY HIỂM nhất Việt Nam - Kinh nghiệm lái xe đường đèo AN TOÀN
TOP 10 đèo NGUY HIỂM nhất Việt Nam - Kinh nghiệm lái xe đường đèo AN TOÀN
TOP 10 đèo NGUY HIỂM nhất Việt Nam - Kinh nghiệm lái xe đường đèo AN TOÀN

Nếu là người thích đi du lịch và ưa mạo hiểm thì chắc hẳn bạn sẽ vô cùng yêu thích những cung đường đèo đẹp như mơ. Nhưng bên cạnh vẻ đẹp của mình, đèo cũng là những cung đường nguy hiểm nhất Việt Nam. Vậy những con đèo nào hiện nay được xem nguy hiểm nhất?

Dưới đây, Hocthilaixeoto.com sẽ chia sẻ cho bạn top 10 cung đường đèo nguy hiểm nhất Việt Nam và những kinh nghiệm lái xe ô tô đường đèo an toàn mà bạn cần trang bị cho mình.

 

 

1. TOP 10 CON ĐÈO NGUY HIỂM NHẤT VIỆT NAM

 

Việt Nam có những cung đường đèo nổi tiếng với phong cảnh đẹp, hùng vĩ nhưng cũng làm nhiều “phượt thủ” và các tài xế phải “run sợ” vì độ cao và những khúc cua quanh co bên rìa vách núi giáp với vực thẳm sâu hút. Sau đây là 10 cung đường đèo đẹp nhất Việt Nam nhưng cũng hiểm trở bậc nhất.

 

1.1 Đèo Mã Pí Lèng - Hà Giang

 

  • Vị trí: Tỉnh Hà Giang

  • Độ cao: 1200m (so với mực nước biển)

  • Chiều dài: 20km

 

Đèo Mã Pí Lèng được mệnh danh là cung đường nguy hiểm nhất Việt Nam, nằm trên con đường Hạnh Phúc, nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang. Đèo dài 20 km được xây dựng để vượt đỉnh Mã Pì Lèng cao 1200 mét từ năm 1959 - 1965. Đây cũng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” - 4 đèo nguy hiểm nhất Việt Nam nằm ở vùng núi Tây Bắc thơ mộng.

 

Đèo Mã Pí Lèng
Đèo Mã Pí Lèng là cung đường nguy hiểm nhất Việt Nam

 

Con đèo này có địa hình vô cùng hiểm trở, ôm sát vách đá dựng đứng, bên dưới là vực thẳm hun hút hướng về sông Nho Quế chia cắt một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là đường đi Săm Pun, nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Trung Quốc.

 

Khi bạn đi trên đèo Mã Pí Lèng bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp vô cùng hùng vĩ, nên thơ. Nhưng trái ngược với vẻ đẹp thiên nhiên đó là sự nguy hiểm luôn rình rập cánh tài xế mỗi lần đánh lái vào khúc cua. Sự nguy hiểm đến từ sương mù, những đoạn đường ngoằn ngoèo chật hẹp cộng thêm những đoạn cua tay áo khiến các xe đi ngược chiều rất khó khăn khi tránh nhau.

 

đèo Mã Pí Lèng
Những khúc “cua tay áo” khiến các xe đi ngược chiều rất khó quan sát

 

1.2 Đèo Ô Quy Hồ - Lào Cai

 

  • Vị trí: Tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai

  • Độ cao: 2000m (so với mực nước biển)

  • Chiều dài: 50km

 

Đèo Ô Quy Hồ là cung đường đèo dài nhất Việt Nam với độ dài lên đến 50km, nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, bao gồm 2/3 chiều dài quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu và 1/3 còn lại thuộc Sa Pa, Lào Cai. Đây tiếp tục là một trong “tứ đại đỉnh đèo” có cảnh sức thiên nhiên đẹp nhất miền Bắc Việt Nam.

 

Đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ là cung đường đèo dài nhất Việt Nam

 

Đèo Ô Quy Hồ với địa thế một bên là vực sâu hun hút và bên còn lại là vách đá dựng đứng. Cung đường đèo liên tục uốn lượn quanh co, lên xuống theo độ trập trùng của dãy núi. Không ít tay lái phải "tái mặt" vì những pha đổ đèo, cua gắt của con đèo danh bất hư truyền này. Chỉ cần một giây sơ sẩy thôi là cả người và xe có thể lao xuống vực sâu bất cứ lúc nào, đặc biệt là ở những đoạn "cua tay áo” vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên do tuyến đường đèo này hiện đã được nâng cấp nên xe cộ qua lại trên đèo cũng dễ dàng và an toàn hơn nhiều.

 

Đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ có những khúc cua khiến các tài xế phải "tái mặt"

 

1.3 Đèo Pha Đin - Sơn La, Điện Biên

 

  • Vị trí: tỉnh Sơn La và Điện Biên

  • Độ cao: 1648m (so với mực nước biển)

  • Chiều dài: 32km

 

Đèo Pha Đin còn gọi là dốc Pha Đin nối liền tỉnh Sơn La và Điện Biên, là một trong những con đèo nguy hiểm nhất Việt Nam. Cái tên Pha Đin có nghĩa là bầu trời và mặt đất, ở đây ý nói con đèo cao như thể chạm đến bầu trời. Với chiều dài 32km, khi đi qua đèo Pha Đin bạn có thể tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và cuộc sống thường ngày của người dân địa phương bên dưới những ngọn núi. Đây tiếp tục là một cái tên trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc Việt Nam.

 

Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin - một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc nên thơ

 

Nhìn từ trên cao xuống, đèo Pha Đin có địa thế vô cùng hiểm trở với con đường mỏng manh vắt vẻo giữa vách núi và vực sâu hun hút. Đèo có độ dốc khoảng từ 10 - 15%, thậm chí có đoạn lên đến 19%. Con đường dài ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z nguy hiểm và bán kính đường cong dưới 15 mét, trong đó có những đoạn chỉ đủ cho một xe ô tô đi qua. Hơn nữa, khác với những con đèo lừng danh khác tọa lạc trên núi đá vôi, Pha Đin nằm trên khu vực núi đất đỏ. Vì thế, nền đất của đèo tương đối yếu, dễ sạt lở vào mùa mưa gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.

 

Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin nằm trên khu vực núi đất đỏ

 

Để việc lưu thông qua đèo được thuận tiện hơn, từ năm 2005 - 2009, một tuyến đường đèo Pha Đin mới đã được xây dựng bám theo sườn núi phía trái của quốc lộ 6 cũ và có độ cao khoảng 1.000 mét (thấp hơn đèo cũ 200 - 400 mét). Tuyến Pha Đin mới dài 26km với ít khúc cua hơn, đường cong rộng tới 60 mét, độ dốc chỉ còn 8% và đặc biệt mặt đường rộng hơn gấp 2 lần giúp các phương tiện di chuyển an toàn hơn. Sau khi tuyến đèo mới được đưa vào sử dụng, lượng xe qua đèo Pha Đin cũ giảm hẳn, chỉ còn người dân bản địa và những du khách ưa mạo hiểm đến chinh phục và khám phá.

 

1.4 Đèo Khau Phạ - Yên Bái

 

  • Vị trí: Tỉnh Yên Bái

  • Độ cao: 1300m (so với mực nước biển)

  • Chiều dài: 35km

 

Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo có độ dốc cao nhất Việt Nam, băng qua đỉnh Khau Phạ - ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tên gọi của đỉnh núi này trong ngôn ngữ của dân tộc Thái nghĩa là “Sừng Trời” - chiếc sừng núi nhô lên tận trời. Cùng với 3 cung đèo ở trên, Khau Phạ là cung đèo cuối cùng trong “tứ đại đỉnh đèo” miền Bắc Việt Nam, với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ nên thơ nhưng cũng ẩn chứa đầy nguy hiểm thách thức biết bao tay lái ưa mạo hiểm.

 

Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ là cung đèo có độ dốc cao nhất Việt Nam

 

Khau Phạ cũng là cái tên tiêu biểu trong top đầu những đèo nguy hiểm nhất Việt Nam. Trong suốt chiều dài của đèo Khau Phạ có phải tới vài chục đoạn đường “cua tay áo”. Đặc biệt là vào những ngày mây mù, đèo càng trở nên nguy hiểm hơn cho cánh tài xế vì tầm nhìn bị hạn chế. Không những thế, nguy hiểm còn đến từ những tảng đá từ trên núi cao có thể rơi xuống trong điều kiện thời tiết xấu, mưa bão.

 

Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ có nhiều đoạn “cua tay áo” nguy hiểm

 

1.5 Đèo Mã Phục - Cao Bằng 

 

  • Vị trí: Tỉnh Cao Bằng

  • Độ cao: 700m (so với mực nước biển)

  • Chiều dài: 3,5km

 

Đèo Mã Phục là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường quốc lộ 3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Lùng, cách Cao Bằng khoảng 22km. Sở dĩ đèo có tên “Mã Phục” vì ở hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đặc biệt, phong cảnh hai bên đèo cũng rất đẹp với những cánh đồng hoa tam giác mạch vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới.

 

Đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục là một trong những con đường đèo đẹp nhất Việt Nam

 

Tuy đèo Mã Phục không quá nguy hiểm như đèo Mã Pì Lèng hay Ô Quy Hồ nhưng cũng khiến cho nhiều người mới không quen đi đèo phải lo sợ trong lần đầu tiên đi qua. Đi từ chân đèo lên đến đỉnh đèo, bạn sẽ phải qua đến 7 tầng dốc gấp khúc. Một bên đèo là vách núi cao đá vôi chót vót, một bên là vực sâu với những khe núi hẹp. Đèo Mã Phục là con đường độc đáo, so với những con đèo khác ở miền Bắc thì tương đối dễ đi hơn.

 

Đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục có 7 tầng dốc gấp khúc nguy hiểm

 

1.6 Đèo Bắc Sum - Hà Giang 

 

  • Vị trí: Tỉnh Cao Bằng

  • Độ cao: m (so với mực nước biển)

  • Chiều dài: km

 

Đèo Bắc Sum được ví như đèo “Pha Đin thứ hai” và cũng là một trong các đèo nguy hiểm nhất Việt Nam. Nằm dưới chân Núi Đôi – con đường dốc Bắc Sum giống như một con rắn nằm uốn mình dưới chân núi đưa ta đến một vùng đất với sự khác biệt của cái không khí se lạnh hơn, của thiên nhiên dưới thung lũng Tam Sơn tuyệt diệu.

 

Đèo Bắc Sum
Đèo Bắc Sum được ví như “đèo Pha Đin thứ hai”

 

Từ đỉnh đèo nhìn xuống, bạn sẽ thấy con đường nhỏ uốn lượn và những ngôi nhà chênh vênh trên những ngọn núi cao. Đèo nổi tiếng với những khúc đường nhỏ, uốn lượn, ngoằn ngoèo sẽ mang lại cảm giác nguy hiểm cho cánh tài xế. Đặc biệt nguy hiểm vẫn là những đoạn cua tay áo và màn sương mù mỗi khi màn đêm buông xuống. 

 

Đèo Bắc Sum
Đèo Bắc Sum với những khúc đường nhỏ, uốn lượn, ngoằn ngoèo

 

1.7 Đèo Thung Khe - Hòa Bình

 

  • Vị trí: Tỉnh Hòa Bình

  • Độ cao: 1000m (so với mực nước biển)

  • Chiều dài: 10km

 

Đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng, nằm giữa Cao Phong và Mai Châu của tỉnh Hòa Bình, trên Quốc lộ 6. Sở dĩ có thêm cái tên đèo "Đá Trắng" vì sau khi mở đường, đá vôi sạt xuống trắng xóa cả một vách núi, nhìn từ cao xuống trông giống như tuyết. Ở Thung Khe không khí buổi sớm khá trong trẻo, buổi trưa thì nắng gắt, buổi chiều nắng ấm dìu dịu và đêm về là sương mù giăng khắp lối.

 

Đèo Thung Khe
Đèo Thung Khe quanh năm trắng xóa bởi bột đá vôi.

 

Con đèo này đi xuyên qua những vực đá dựng đứng, tuy không có những khúc cua tay áo "cháy phanh" nhưng Thung Khe lại ẩn chứa một mối nguy hiểm khôn lường đối với các tài xế. Đó chính là ở những làn sương mù dày đặc mỗi khi chiều về, bất kể là mùa đông hay hè. Nhất là khi vượt qua đèo vào buổi tối mùa đông, đó sẽ là trải nghiệm khó quên đối với bất kỳ tay lái nào. Vì màn sương đặc quánh hòa cùng cái lạnh buốt đến tê người sẽ làm cho tầm nhìn của bạn bị hạn chế hết mức, dường như chỉ có thể thấy ánh đèn xe lấp loáng, mờ ảo trong sương.

 

>>> BỎ TÚI NGAY: 10 Bí kíp lái xe ô tô ban đêm an toàn trên mọi nẻo đường cho các "bác tài" mới.

 

Đèo Thung Khe
Làn sương mù dày đặc buổi tối là mối nguy hiểm hàng đầu của các bác tài

 

1.8 Đèo Đá Đẽo - Quảng Bình

 

  • Vị trí: Tỉnh Quảng Bình

  • Chiều dài: 17km

 

Đèo Đá Đẽo là cung đường hiểm yếu nhất trên suốt đoạn Đông Trường Sơn của con đường Hồ Chí Minh lịch sử, thuộc địa phận xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trong chiến tranh, đèo chỉ là một con đường mòn nhưng khi những thế hệ thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn, người đi trước đẽo đá mở đường cho người sau, vì vậy mà đèo có cái tên Đá Đẽo.

 

Đèo Đá Đẽo
Đèo Đá Đẽo nằm trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại

 

Địa hình của đèo Đá Đẽo khá đa dạng với đồi núi, thung lũng xen kẽ, bị chia cắt bởi một bên là dãy núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đèo có các con đường vòng cua cong gấp, độ dốc khá lớn, bị xói lở nhiều. Do đèo đi qua nhiều khe suối và vùng có địa chất phức tạp nên nền đất khá yếu, dễ xảy ra sạt lở.

 

Đèo Đá Đẽo
Nền đất đèo Đá Đẽo khá yếu dễ bị sạt lở vào mùa mưa lũ

 

Hàng năm có khá nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đèo, mà nguyên nhân phổ biến nhất là do lái xe đổ đèo với tốc độ cao, khi gặp khúc cong cua bất ngờ không làm chủ được dẫn đến tai nạn. Vì thế để đảm bảo ATGT, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã đầu tư và đưa ra các phương án như làm gờ giảm tốc trên mặt đường và xây dựng đường lánh nạn cho các phương tiện đi vào khi bị mất phanh bất ngờ.

 

1.9 Đèo Sa Mù - Quảng Trị

 

  • Vị trí: Tỉnh Quảng Trị

  • Độ cao: 1400m (so với mực nước biển)

  • Chiều dài: 20km

 

Đèo Sa Mù nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị, giáp biên giới Việt – Lào. Giống như cái tên “Sa Mù” của nó, con đèo này quanh năm mây phủ trắng xóa mang lại vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, huyền ảo. Đèo cũng nổi tiếng nguy hiểm do có nhiều đoạn dốc đứng, quanh co và sương mù là nguyên nhân chính khiến những phượt thủ và tài xế phải sợ hãi vì tầm nhìn bị hạn chế và rất khó quan sát khi sương quá dày.

 

Đèo Sa Mù
Đèo Sa Mù nổi tiếng do quanh năm có mây mù bao phủ

 

1.10 Đèo Hải Vân - Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế

 

  • Vị trí: TP Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế

  • Độ cao: 500m (so với mực nước biển)

  • Chiều dài: 21km

 

Đèo Hải Vân được ví như “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” và là một trong những cung đường đèo đẹp nhất thế giới. Hải Vân nằm trên dãy núi Bạch Mã và là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng. Có chiều dài 21km, đỉnh cao nhất cao tới gần 500m, đèo Hải Vân mang vẻ đẹp thiên nhiên kỳ ảo và nên thơ thu hút trái tim của biết bao du khách.

 

Đèo Hải Vân
Đèo Hải Vân là một trong những cung đường đèo đẹp nhất thế giới

 

Bên cạnh vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, đèo Hải Vân cũng có địa hình vô cùng hiểm trở, chênh vênh với những con dốc cheo leo, khúc khuỷu, bên núi cao, bên vực thẳm. Khi đi trên đèo, bạn sẽ có cảm giác nghiêng mình theo từng khúc cua, hồi hộp mỗi khi đổ đèo xuống dốc, thậm chí nổi gai ốc khi đi trong trời mưa gió, sương mù giăng kín lối. Hiện nay, đèo Hải Vân đã có hầm đường bộ để các phương tiện có thể đi xuyên qua đèo dễ dàng, nhanh chóng hơn, không còn quá nguy hiểm như trước nữa.

 

Đèo Hải Vân
Đèo Hải Vân có những khúc cua dốc nguy hiểm

 

2. NHỮNG KINH NGHIỆM LÁI XE ĐƯỜNG ĐÈO AN TOÀN NHẤT

 

Sau đây là một vài những kinh nghiệm “xương máu” cho các tài xế thường xuyên phải chạy xe đường đèo dốc và các phượt thủ có thể di chuyển an toàn hơn khi đi trên những đoạn đường đèo, dốc nguy hiểm:

 

Kiểm tra xe kỹ càng trước khi đi: Đặc biệt cần kiểm tra hệ thống phanh, chất lượng dầu phanh, tình trạng lốp xe, cần gạt, điều hòa, ống xả, hệ thống đèn xe, còi, dầu động cơ,… để mọi thứ đảm bảo mọi thứ hoạt động tốt.

 

Ghi nhớ nguyên tắc "lên già - xuống non": Nghĩa là khi leo lên thì tăng số muộn hơn, còn khi đổ đèo thì về (xuống) số sớm hơn so với lúc điều khiển trên đường bằng. Cố gắng giữ máy vận hành ở số thấp và "lên số nào - xuống số đó".

 

Không nên rà phanh liên tục: Để giảm tốc độ xe khi đổ đèo, nên trau dồi kỹ năng dùng số kết hợp với phanh. Phanh sẽ hoạt động tốt nhất sau khi đã về số hoặc giảm tốc độ khẩn cấp. Tuy nhiên, cần tránh phanh gấp đặc biệt lúc xe đang vào góc nghiêng.

 

Hạn chế ôm vạch chia đường: Khi lái xe trên đường dốc cần chú ý quan sát, nhường đường cho các xe lớn hơn khi vào khúc cua. Sử dụng còi hay nháy đèn báo hiệu cho các xe khác khi tầm nhìn bị hạn chế.

 

Cách vượt xe trên đường đèo an toàn: cần chú ý quan sát, đảm bảo khoảng cách đủ an toàn để vượt lên, phát tín hiệu cho xe phía trước và chuyển số phù hợp đủ sức cho xe vượt qua, hạn chế "vượt xe đôi" (vượt cùng lúc 2 - 3 xe) khi không thật sự chắc chắn.

 

Quan sát đồng hồ lái, nhiệt độ nước làm mát: Khi lái xe trên đường đèo dốc, động cơ của xe sẽ làm việc "nặng nhọc" hơn so với khi đi trên đường bằng phẳng, hệ thống làm mát động cơ hoạt động hết công suất để đảm bảo xe không quá nhiệt.

 

Vì thế cần quan sát mức nhiệt độ nước làm mát động cơ nằm ở mức an toàn. Nếu động cơ của xe quá nóng thì nên dừng xe lại ở những đoạn đường trống, tầm nhìn thông thoáng để xe tạm nghỉ trước khi xuất phát trở lại.

 

Chú ý độ dốc, các biển báo khúc cua: giúp bạn lường trước đoạn đường sắp đến và điều khiển chân ga, hộp số cho phù hợp cũng như muốn vượt xe an toàn.

 

Tránh tình trạng phanh gấp, dừng đột ngột: Khi có ý định dừng xe lại nghỉ chân, hay bắt gặp một khung cảnh đẹp không thể nào bỏ qua, hãy quan sát những xe ở phía sau, bật đèn báo rẽ để thông báo cho các xe khác mình đang muốn dừng lại; Tránh tình trạng phanh gấp, dừng đột ngột, dẫn đến những xe phía sau không xử lý kịp, dễ gây ra tai nạn. 

 

Vị trí dừng xe cần tránh các khúc cua tầm nhìn kém cũng như những đoạn đường hẹp gây cản trở đường lưu thông của các phương tiện khác. Bật đèn báo hiệu khẩn cấp khi cần thiết để đảm bảo tính an toàn hơn khi dừng xe trên đường đèo.

 

>>> Bạn chưa có bằng lái xe ô tô? Hãy tham khảo ngay chương trình học lái xe B2 để có thể "vi vu" du lịch muôn nơi.

 

Trên đây là top 10 đèo nguy hiểm nhất Việt Nam và những kinh nghiệm lái xe an toàn mà Hocthilaixeoto.com đã chia sẻ. Mong rằng bài viết sẽ mang đến cho bạn một vài gợi ý về những cung đường “vi vu” du lịch thú vị và hãy nhớ những kinh nghiệm trên để lái xe an toàn khi lưu thông trên đèo bạn nhé.

1597
SHARES

Đăng ký tư vấn

1Thông tin cá nhân

2Lựa chọn dịch vụ








3Hoàn tất đăng ký

Tìm kiếm bài viết

Fanpage

Đăng ký tư vấn

DMCA.com Protection Status
Zalo
Thi thử
Zalo